JAN 6: Như Lịch Thường niên : Đi Thăm hộ Học sinh

January 19, 2012 § Leave a comment

Tác giả Nguyễn Thị Phương Thảo

For English click here

Như lịch thường niên, hôm nay chúng tôi tổ chức 1 đoàn nhân viên đi thăm hộ học sinh trong chương trình học bổng ADAPT, lần này góp cả văn phòng được 7 người mà có ba là tình nguyện viên; một trong số đó vốn là 1 em trong chương trình được hỗ trợ mấy năm trước giờ đây quay trở lại chung tay.

Cả bọn đi trên 4 chiếc xe gắn máy qua phà An Hòa hướng về Đồng Tháp. Lần này đoàn đi thăm các trường THCS Phú Thành A, THCS Phú Ninh, THPT Tam Nông, THPT Hồng Ngự.

Đón chúng tôi ở Phú Thành A là thầy P. và các em học sinh trong chương trình học bổng của trường này. Sau khi chia nhóm để theo các em về nhà gặp gia đình và lập hồ sơ cho mỗi lần thăm, mọi người hối hả, cười nói í ới gọi nhau mượn thêm mũ bảo hiểm, dặn dò em nào sẽ đi về trước, em nào ở lại chờ đi cùng, với sự náo nhiệt như vậy, mọi người lên xe tỏa ra các nhánh đường.

Tôi được phân công đi với thầy P., thầy là đại diện của trường để giúp chúng tôi và thầy đã theo chương trình 7 năm nay, tôi nghĩ thật hiếm người thầy nào nhiệt tâm và sâu sát với các em như vậy. Nhờ vậy mà có rất nhiều em đã nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, éo le, thầy đã cùng học bổng ADAPT động viên, hỗ trợ để đưa em đến trường trở lại.  Hôm nay khi tôi tìm nhà các em đã lên cấp 3 tuy đã qua trường phổ thông chứ không còn ở bên trường của thầy nhưng thầy vẫn vui vẻ dẫn đường cho tôi đến từng nhà.

Đi với thầy, tôi nắm nhiều thông tin về các em trước khi đến tiếp xúc với gia đình, tôi được biết năm nay có thể có rất nhiều gia đình ở Phú Thành không có tết bởi vì vùng này là 1 trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lớn vừa qua, nhiều nhà bị sụt lún, bị sập vì cột kèo ngậm lâu trong nước, người làm rẫy làm ruộng thì hoa màu hư hại, vật nuôi chết, bị lũ cuốn trôi, người đi đánh bắt, hái rau dại thì phải bó gối ngồi nhà vì nước dữ nước sâu, người làm thuê làm mướn chờ hoài không có ai kêu …Trên đường đi tôi cũng có thể kiểm chứng được những điều thầy vừa mới kể, rất nhiều đoạn đường chạy sâu vô trong đồng bị lở đất, nhiều nơi sụt lún nặng nề, vệt nước dâng cao vẫn còn in hằn dấu vết…

Ở nhà em L., lớp 8, mồ côi cha mẹ. Bà nội lo lắng nói “Nước ngập lâu làm cột kèo rệu hết rồi, không biết nhà sẽ sập khi nào? Nợ chất chồng nợ vì chờ nước rút lâu quá!”

Ở nhà em T., học lớp 10, cũng mồ côi cha mẹ, bà nội làm nghề mót lúa, cấy mướn, hái rau muống dại ngoài đồng bán cũng đang buồn bã, lo lắng lắm, bà nói bà nuôi hai chị em của em từ nhỏ đến bây giờ phần lớn bằng tiền bán lúa mót ở ngoài đồng sau mấy vụ gặt, giờ đây các cánh đồng toàn gặt bằng máy gặt liên hợp nên không những người không cần mướn mà lúa cũng không rơi vãi làm bà mất hẳn nguồn thu quan trọng này! Nhưng bà nội của em là người năng động, giỏi giang, nên bà đã tìm thêm nghề khác là cạo gió dạo, bà nói nghề này cũng giống như đi làm từ thiện vậy, ai nhức đầu, sổ mũi, đau mình, kêu tới là bà đến, bà bắt gió, cạo, xông cho người ta, người có tiền thì cho bà 5, 7 ngàn, còn không có cũng như bà giúp vậy!

Gần cuối buổi trưa tôi đến nhà của 2 em đã bỏ học.

Ở nhà em N., học lớp 10, mồ côi cha, là học sinh giỏi nhiều năm liền, đã nghỉ học 1 tháng, tôi ngỡ ngàng trước cảnh nhà quá đỗi hoang tàn, khác với vẻ ấm cúng tôi thấy trong những lần thăm trước, bước qua khoảng sân hẹp đầy cỏ dại, bên trong nhà loang lổ những vệt nắng dọi từ mấy cái vách thủng. Những vệt nắng cứ nhảy múa trên cái bàn nhỏ là góc học tập của N., bên trên vẫn còn xếp ngay ngắn những cuốn sách giáo khoa, những cuốn vở chi chít chữ em viết. Cái bàn lẻ loi hôm nay khác vẻ sống động của những lần trước vì không có nụ cười hiền hậu của N. đón mỗi khi tôi đến thăm nhà. Trên chiếc giường tre đối diện, bà ngoại em ngồi bần thần nhìn ra sân, bà bị chàm, vẩy nến gì đó nên toàn thân bong tróc những mảng trắng, đỏ. Đứa em gái nhỏ của N. cũng đang ngồi trong góc giường nhìn tôi. Giờ là 12 giờ trưa nhưng bếp núc vẫn lạnh tanh, trong nhà hai cái bóng trẻ, già ngồi im như hóa đá. Bà ngoại em nói ông ngoại đi nhà thương hoài, nhà khổ quá, má N. một mình đi làm không xuể đã tính với gia đình cho N. nghỉ học, đi học nghề làm tóc ở chợ để tiếp nuôi ông bà ngoại và em. Tôi gặng hỏi nhiều lần, giận lắm vì sao chương trình học bổng đã cố gắng giúp em rất nhiều, nhưng tại sao gia đình lại dễ dàng cho em nghỉ học như vậy? Đâu rồi bản cam kết phải cho con em mình đi học đến hết lớp 12?

Tôi lần ra chợ với chút thông tin là em đang theo học nghề tóc ở tiệm tên “Tiền”, chạy tới chạy lui ở cái chợ quê nhỏ xíu  mà có tới 4, 5 salon tóc, tôi phát hiện trong một đường bên hông chợ có tiệm nhỏ với bảng tên Kim Tuyền to, bước lại gần hơn, tôi dễ dàng nhận ra N. đang cùng 1 cô gái khác gội đầu cho khách trong gian phía sau tiệm. Em nổi bật giữa các cô gái phấn son, tóc nhuộm vàng, đỏ bởi vẻ giản dị của mình. Tôi thấy mái tóc đen nhánh buộc gọn sau lưng của em, và tôi thấy hai má em ửng hồng vì hoạt động trong nắng trưa, khác với vẻ xanh xao trước khi em được chị Kiều Nhi giúp cho đi mổ tim trên thành phố. Tôi bước vào tiệm mua dịch vụ gội đầu và chỉ em là người tôi chọn.

Trong câu chuyện với em sau đó, tôi được biết em đã khóc quá nhiều lần để đi đến quyết định ngày hôm nay. Ông bà ngoại lúc rày đau bệnh liên miên. Vì nhà quá xa trường nên em quá giang bạn đi bằng xe gắn máy, em đã không kham nổi tiền xăng phải góp. Mẹ làm cho xí nghiệp may cách nhà 7 cây số 5 tháng rồi chưa được trả lương. Em nói em phải đi làm để cho em của em được đến trường!

Mới đó mà đã 7 năm rồi, dù gặp các em hàng năm mấy lần nhưng tôi vẫn cứ bất ngờ bởi sự thay đổi nơi các em, mới ngày nào là những em bé cấp 1, cấp 2, ngoảnh lại đã là thiếu nữ. Đối với tôi, thời gian trôi quá nhanh, nhưng thời gian có nhanh không ở chỗ các em đang sống, nơi mà em đang cùng cha mẹ, ông bà và cả những em phải một mình trơ trọi, bươn chải kiếm ăn từng bữa, phải bao nhiêu lần bất lực trước thiên nhiên đầy bất trắc. Nơi được gọi là vựa lúa của cả miền Nam nhưng lại là một trong những vùng nghèo nhất. Là con gái, em có những giấc mơ thầm kín gì không thể nói ra? Em có cảm thấy giận dữ buồn tủi vì thiếu thốn tình thương của mẹ cha hay những khao khát vật chất nhỏ nhoi mà những cô gái cùng trang lứa ở thành phố dư thừa?

Pacific Links Foundation chi phí $200 một học bổng cho một học sinh trong một năm. Chúng tôi hiện đang cung cấp học bổng cho 384 cô gái có nguy cơ hàng năm, với mục tiêu cung cấp 1000 học bổng đến năm 2014. Bạn có thể giúp đỡ bằng cách tài trợ một hoặc nhiều học bổng để cho phép các cô gái có nguy cơ tiếp tục được đến trường. Ghé trang web của PALS để biết thêm về những cách hỗ trợ các cô gái này. 

Tổ chức Vòng Tay Thái Bình (Pacific Links Foundation) thực hiện các chương trình phòng chống tệ nạn buôn bán người tại các vùng biên giới Việt Nam, giúp thanh thiếu nữ thêm cơ hội học tập và có việc làm vững chắc, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân thoát cảnh buôn người.

Tham gia và hỗ trợ Tổ chức Vòng Tay Thái Bình ngăn chặn tệ nạn buôn người.


Where Am I?

You are currently browsing entries tagged with phụ nữ at ADAPT: Stop Human Trafficking.